image banner
 
TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Hiện nay, Ngộ độc thực phẩm là vần đề hết sức phức tạp và đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống của con người. Ủy ban nhân dân xã Đắk Ngo xin gửi đến CB, NV và cùng toàn thể nhân dân  trong xã bài tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

1. Ngộ độc do độc tố tự nhiên

Ngộ độc do các độc tố tự nhiên rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy, để phòng, chống ngộ độc do các độc tố tự nhiên, mọi người dân hãy:

1.1. Không nên ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc; chỉ sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không được ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.

1.2. Để tránh ngộ độc khoai tây, không nên mua hoặc chế biến làm thức ăn từ những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh.

1.3. Phơi, sấy khô, bảo quản tốt các loại hạt, tránh để hạt bị ẩm mốc; không ăn hạt đậu, lạc đã bị mốc, thâm đen.

1.4. Cóc thường được dùng làm thực phẩm bồi dưỡng cho người già và trẻ em, nhưng nhựa cóc, gan, mật cóc có độc tố rất mạnh; vì vậy, ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên tốt nhất và an toàn nhất là không nên ăn cóc và các sản phẩm chế biến từ cóc.

1.5. Không nên ăn cá nóc dưới bất kỳ hình thức chế biến nào kể cả khi đã đun chín, phơi khô, sấy, làm mắm…

1.6. Không nên bắt các loại côn trùng dùng làm thức ăn (như nhộng ve sầu).

1.7. Tuyệt đối không sử dụng các loại cây, củ, con vật lạ để ngâm rượu…

2. Phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố vi khuẩn

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do vi khuẩn trong thời gian tới, người dân cần thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

- Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất.

Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt; chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.

- Không nên để thực phẩm sống lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm.

- Thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm, tiệt trùng các dụng cụ, bát đũa trước khi ăn uống; hướng dẫn lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn…

3. Phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè

Hàng năm, vào thời kỳ mùa Hè, tình hình ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm thường diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do thời tiết nóng ẩm của mùa Hè, tình trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; điều kiện bảo quản thực phẩm an toàn, nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc, nhập lậu khó kiểm soát; ô nhiễm môi trường gia tăng; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, nước giải khát, nước đá, kem tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch, lễ hội….Vì vậy, để phòng, chống ngộ độc trong mùa Hè, mọi người dân hãy:

- Yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh thực phẩm.

- Người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc (Nấm độc, cá nóc, sò biển, ốc lạ, quả lạ...); không sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm rượu, bia, nước giải khát không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không an toàn. Tập trung chú trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

- Thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm, tiệt trùng các dụng cụ, bát đũa trước khi ăn uống; hướng dẫn lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn.

Anh-tin-bai
 

- Ngoài ra, cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm, đó là: Chọn thực phẩm an toàn; Nấu kỹ thức ăn; Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; Không để lẫn thực phẩm sống và chín; Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; Sử dụng nguồn nước sạch. Người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm trong mùa hè nên mua những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Đặc biệt, đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt “Lợi - Hại” của chiếc tủ lạnh.

Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm.

4. Phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa bão, lũ: Để đảm bảo an toàn thực phẩm xảy ra trong mùa bão, lũ, góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng trong mùa bão lũ.

- Không sử dụng các loại lương thực, thực phẩm đã bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng,…..

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

- Thực hiện ăn chín, uống chín.

- Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hóa chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.

Ngộ độc thực phẩm có thể gây tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc, người dân cần phải xử lý gây nôn cho người bị ngộ độc và nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Trường hợp có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm, cần thông báo đến cơ sở y tế gần nhất hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp can thiệp dự phòng, kịp thời ngăn chặn ngộ độc tiếp diễn.

“Để đảm bảo sức khỏe, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, cần chủ động lựa chọn những thực phẩm an toàn và hãy thận trọng hơn trong việc sử dụng thực phẩm ”.

BẢN ĐỒ XÃ ĐẮK NGO HUYỆN TUY ĐỨC
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập